Ngôi nhà Việt truyền thống
Người Việt Nam thường nói: “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”; vì vậy, làm nhà là một trong ba việc hệ trọng của đời người. Hơn nữa, trải qua nhiều thế hệ, ông cha ta đã đúc kết rằng: “An cư lạc nghiệp”, với ý nghĩa là phải ổn định được chỗ ở thì công việc mới thuận lợi, chính vì vậy, mọi người đều cố gắng “an cư” trước tiên. Kiến trúc nhà ở ở nông thôn Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa làng xã. Mỗi nhà đều có khu nhà chính, sân phơi, ao, vườn, khu nuôi gia súc, tường và hàng rào bao quanh, cổng… Nhà chính thường có nhiều gian nhỏ, chia theo số lẻ (1, 3 hoặc 5 gian) và thường quay về hướng Nam để đón ánh nắng mặt trời, giữ cho ngôi nhà ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Trong nền văn hóa Việt Nam, ngôi nhà có mái cao được xem như gia đình bền vững, là biểu tượng của giá trị truyền thống. Ngôi nhà, nơi sinh sống của cả gia đình là nơi ai đi xa cũng cũng đều nhớ về. Trẻ em lớn lên và học những điều hay từ gia đình để có nền tảng vững chắc cho tương lai sau này.
Nhà nào cũng đều có bàn thờ tổ tiên bởi mọi người tin rằng ông bà tổ tiên sẽ che chở cho con cháu. Bàn thờ được đặt ở giữa nhà, ở vị trí thiêng liêng nhất. Các ngôi nhà thường có rặng tre xung quanh, vườn cây, ao cá, đời sống nông nghiệp ở làng xã chủ yếu là tự cung tự cấp. Người dân bắt cá từ ao nhà, hái rau quả tươi từ vườn làm nguồn cung cấp thực phẩm. Trong mỗi làng quê, nhiều gia đình sống gần nhau và hình thành một cộng đồng, tình làng nghĩa xóm có ý nghĩa quan trọng và có lúc còn được xem trọng hơn quan hệ ruột thịt “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Những người hàng xóm sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Khi có việc khẩn cấp, hàng xóm luôn là người có mặt trước tiên. Sau mỗi ngày làm việc đồng áng, mọi người thường tập trung trò chuyện hoặc chơi cờ cùng nhau… hay tham gia các hoạt động tập thể, nên quan hệ làng xóm càng gắn bó hơn.
Tới thăm làng Yên Đức, du khách sẽ vào thăm nhà của những người dân địa phương để hiểu biết về ngôi nhà truyền thống của làng quê, cùng những truyền thống văn hóa đã lưu truyền hàng ngàn đời, đang hiện hữu trong cuộc sống người dân nơi đây.
Di tích lịch sử
Trong suốt quá trình giữ và dựng nước, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ. Mỗi cuộc chiến tranh đi qua, từng cánh rừng, dòng sông, con đường đến các làng bản đều gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Như nhiều làng quê khác, Yên Đức cũng trở thành một địa danh lịch sử với di tích chùa Cảnh Huống, hang 73- biểu tượng của tinh thần dũng cảm trong trận chiến lịch sử chống lại quân xâm lược. Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng kiên cường chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Hang 73 nằm trong núi Canh, gắn liền với câu chuyện về 73 du kích anh dũng hy sinh cho tự do của dân làng. Trong chương trình thăm làng Yên Đức, du khách sẽ được thăm quan chùa Cảnh Huống, hang 73 và được nghe những câu chuyện về ngôi làng và người dân nơi đây.
Chùa Cảnh Huống
Với làng quê nông thôn Việt Nam, chùa là một phần của nền văn hóa, nơi thờ cúng thiêng liêng, cũng như là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa. Tham quan chùa sẽ giúp du khách cảm nhận được sự thanh thản trong tâm hồn và hiểu biết thêm về nền văn hóa truyền thống Việt Nam. “Cảnh Huống” có nghĩa là một ngôi chùa đẹp. Chùa đem lại cho du khách cảm giác yên bình, thoát khỏi cuộc sống bận rộn hàng ngày và tận hưởng không khí trong lành của làng quê Việt Nam. Cảnh Huống là ngôi chùa cổ kính được xây dựng dưới triều vua Trần (thế kỷ 13- 14). Ngôi chùa là nơi vua Trần Nhân Tông rời cung để bắt đầu theo tôn giáo. Trong suốt thời gian theo đạo Phật, vua đã cho xây rất nhiều chùa chiền quanh khu vực.
Tuy nhiên, ngôi chùa đã bị phá hủy và được trùng tu nhiều lần, đáng kể nhất là vào năm 1664 và sau đó là giữa thế kỉ 19. Dù được trùng tu nhiều lần nhưng ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính và phong cách kiến trúc ban đầu. Nằm ở trung tâm ngôi làng, chùa Cảnh Huống là một nơi thiêng liêng mà mỗi người dân địa phương đều đến để cầu nguyện một năm sức khỏe tốt, thời tiết thuận lợi cho mùa màng bội thu.
Quan họ và múa rối nước
Dân ca quan họ được hát cách đây khá lâu ở 49 làng Quan Ho và một số làng lân cận khác thuộc Bắc Giang và Bắc Ninh. Quan họ mang phong cách âm nhạc dân gian Việt Nam, với đặc trưng là hát đối đáp, xen kẽ giữa các liền anh, liền chị. Các chủ đề hát đối thường về tình yêu và tình cảm lứa đôi. Dân ca Quan họ hiện nay bắt nguồn từ tỉnh Bắc Ninh và lần đầu tiên được ghi nhận vào thế kỷ 13, gắn liền với các lễ hội mùa xuân sau Tết Nguyên đán. Trước đây, dân ca quan họ thường được hát vào buổi tối trước lễ hội nhưng ngày nay, các làn điệu quan họ thường được hát vào ngày chính hội và trong các ngãy lễ theo truyền thống.Đến thăm làng Yên Đức, du khách không chỉ được thưởng thức những làn điệu quan họ mà còn những làn điệu chèo, dân ca mượt mà ca ngợi quê hương đất nước do chính những người dân làng thể hiện.
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam, bắt nguồn từ chính lao động sản xuất, các hoạt động nông nghiệp của người dân Việt Nam ở vùng nông thôn. Các vỡ diễn chính là những câu chuyện thường ngày sống động của đời sống, qua tạo hình nghộ nghĩnh, độc đáo của các nhân vật rối, trên chính sân khấu là ao làng quen thuộc, múa rối nước trở nên gần gũi và độc đáo nhất trong các loại hình múa rối không chỉ ở Việt Nam. Người dân làng Yên Đức đã phát triển sân khấu và các vỡ diễn để du khách có cơ hội thưởng thức múa rối nước tại chính nơi khởi nguồn của loại hình nghệ thuật này.